Ngân hàng không thể có lãi 6% do chênh lệch huy động/cho vay như nhiều người nghĩ, nhưng với tỷ lệ 2,9% như tính toán cũng không phải là mức thu nhập lãi thuần thấp trong điều kiện hiện nay.
>>thông tin habubank nợ nần là sai sự thật
Ngân hàng là huyết mạch của cả nền kinh tế. Ngân hàng tắc, kinh tế đình trệ. Đó là tình trạng của nền kinh tế hiện nay khi mà vốn của ngân hàng không thể chảy tới các ngành khác. Một trong những khó khăn chính là lãi suất vay vốn vẫn còn rất cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Cũng có ý kiến cho rằng, theo tính toán thì các ngân hàng không lãi nhiều như mọi người vẫn tưởng là 6%/ đồng vốn huy động (chênh lệch huy động 9% và cho vay 15%), mà chỉ khoảng 2,9%/đồng vốn huy động.
Theo so sánh thì đó là tỷ suất sinh lời thấp nếu so với ngành khác nhưng dường như lời giải thích này hơi thiếu thuyết phục.
Cần làm rõ lợi nhuận mà ngân hàng thu về trên mỗi đồng vốn huy động và lợi nhuận sẽ được chia cho cổ đông của ngân hàng.
Hãy lấy ví dụ, ngân hàng A có vốn điều lệ 10 ngàn tỷ đồng với lượng vốn huy động về là 100.000 tỷ đồng và có LDR (tỷ lệ cho vay/huy động) là 70% tương đương 70.000 tỷ đồng.
Với lợi nhuận tính toán chỉ 2,9% trên dư nợ cho vay ngân hàng A cũng có khoản lợi nhuận từ thu nhập lãi thuần xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
Nếu ngân hàng không có khoản doanh thu và chi phí nào khác, sau khi trích lập dự phòng và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính là 1.000 tỷ.
Rõ ràng ngân hàng vẫn có khoản lợi nhuận lên tới 1.000 tỷ đồng sau thuế , tỷ lệ chia cổ tức có thể là 9 -10%.
Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ, phá sản thì ngân hàng với chức năng là trung gian tài chính nếu kinh doanh an toàn, hiệu quả vẫn cho khoản lợi nhuận 10%.
So sánh với việc gửi tiết kiệm ngắn hạn 9%/năm thì những ông chủ ngân hàng có thể có khoản lợi nhuận đầu tư không thấp.
Con số lợi nhuận trên chỉ tính với tỷ lệ cho vay/huy động là 70%; nhưng trong hệ thống NHTM cũng có không ít ngân hàng cho vay vượt tỷ lệ trên.
Vì thế nói tỷ suất lợi nhuận/đồng vốn huy động của ngân hàng ở điều kiện kinh tế khó khăn chỉ 2,9% là thấp thì không biết khi kinh tế bình thường lợi nhuận ngân hàng sẽ ở mức nào.
Cách tính ở trên mới chỉ là ước tính nhanh nhưng cũng phần nào phản ánh được thu nhập thực của các ngân hàng.
Vẫn biết ngân hàng là doanh nghiệp, kinh doanh thì phải có lãi, đảm bảo an toàn cho người gửi tiền nhưng nếu các ông chủ ngân hàng chấp nhận giảm bớt lợi nhuận trước mắt, chỉ 1% thôi, thì có lẽ sẽ giúp nhiều doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn.
Thậm chí nếu họ chấp nhận hạ tiếp lợi nhuận để trích lập dự phỏng rủi ro tín dụng đầy đủ thì chắc chắn các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả còn có thể tiếp cận lãi suất thấp hơn.
Còn các doanh nghiệp cũng phải nhìn lại chính bản thân mình vì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều kinh doanh với tỷ lệ đòn bẩy rất cao. Từ DNNN có tiềm lực, tài sản nhiều đến doanh nghiệp tư nhân, thậm chí doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp.
Tại báo cáo của bộ Tài chính, tính đến tháng 9.2011, có đến 30/85 (tức 35%) tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần. Đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần.
Còn tại buổi đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ nhận bức thư của doanh nghiệp trẻ, khởi nghiệp với vài chục triệu đồng đã thông qua nhiều cách để vay 3 tỷ đồng nhưng kinh doanh thua lỗ.
“Hiện anh ấy muốn vay thêm 3 tỷ nữa để kinh doanh, nhưng nếu tôi là giám đốc chi nhánh Ngân hàng cũng không dám cho anh này vay thêm bởi quy mô nhỏ, vốn tự có thấp, kế hoạch kinh doanh không rõ ràng ”- Thống đốc thẳng thắn đánh giá.
Phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, đòn bẩy tài chính cao khi thị trường khó khăn nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “chết trên đống tài sản dở dang”.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, các doanh nghiệp muốn có sự hỗ trợ từ phía ngân hàng thì trước hết phải giải quyết bớt những bất cập, rào cản do chính doanh nghiệp tạo ra.
Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là lâu dài, và biết bỏ cái ngắn hạn để được lấy cái lâu dài chắc chắn cả ngân hàng và doanh nghiệp sẽ tăng trưởng bền vững.
Lê Tuấn
Theo TTVN