Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Cổ tức ngân hàng khó đạt chỉ tiêu

Nợ xấu tăng ảnh hưởng lợi nhuận nhà băng nên khó trả đúng mức cổ tức như đã hẹn với cổ đông ở đại hội thường niên.
>>thông tin habubank nợ nần là sai sự thật


Xu hướng nợ xấu gia tăng, cản dòng chảy tín dụng, khoản nợ có khả năng mất vốn của nhiều nhà băng trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh cùng với việc cắt giảm lãi suất cho vay là những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà băng… Nhiều nhà băng cho biết, sẽ khó đạt được tỷ lệ cổ tức đề ra.

Việc Ngân hàng Nhà nước thanh, kiểm tra nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, buộc các nhà băng phải trích lập dự phòng đầy đủ, khiến lợi nhuận đạt được trong quý II của nhiều ngân hàng giảm, do trích lập dự phòng cao. Trong đó, không loại trừ các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB…

Nhà băng lớn khó tránh khỏi việc sụt giảm lợi nhuận thì ngân hàng vừa và nhỏ sẽ càng khó khăn hơn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn cho biết, hoạt động kinh doanh chủ yếu là cho vay của ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn (5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của OCB vẫn trong tình trạng âm và mới dương trở lại trong gần 2 tháng qua) thì việc nợ xấu gia tăng, phải trích lập dự phòng đầy đủ, đã ăn mòn hết lợi nhuận của Ngân hàng.

“6 tháng đầu năm, OCB đạt lợi nhuận trên 250 tỷ đồng, đạt khoảng 50% kế hoạch năm. Nhưng do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong tháng 7, nên khả năng năm nay, ngân hàng khó hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Do đó, cổ tức có thể được điều chỉnh về một nửa kế hoạch (10%)”, ông Tuấn chia sẻ.

Tương tự OCB, DongA Bank cũng khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng, Tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình cho hay.



Cổ tức ngân hàng khó đạt chỉ tiêu. Ảnh minh họa.


Theo ông Bình, trong bối cảnh thị trường hiện nay, các nhà băng phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chấp nhận giảm lãi và cơ cấu lại các khoản vay. Vì thế, trong năm nay, các ngân hàng thương mại khó có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Với DongA Bank, dù 6 tháng đầu năm đã đạt 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm nhưng nhiều khả năng, ngân hàng phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Bình cho biết, DongA Bank sẽ nỗ lực để đảm bảo chi trả cổ tức cho các cổ đông theo kế hoạch được đại hội cổ đông thông qua.

Tình trạng nợ xấu gia tăng nhanh, đã và đang cản trở dòng chảy tín dụng, buộc các nhà băng phải từng bước cắt giảm lãi suất cho vay, mới mong khơi thông dòng vốn. Không chỉ ưu đãi cho khoản vay mới mà ngay cả với khoản vay cũ, ngân hàng thương mại cũng phải giảm lãi suất về mức tối đa 15% một năm, trong khi đó, chi phí huy động cho các khoản vốn này trước đây là 17-18% một năm. Có nghĩa là các ngân hàng thương mại phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để giữ khách hàng.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng. Nếu không, với tình hình tăng trưởng tín dụng như hiện nay, các ngân hàng sẽ khó đạt được mục tiêu kế hoạch kinh doanh.

Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc giảm lãi suất và đưa các khoản vay cũ về dưới 15% một năm không chỉ thể hiện sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp mà còn được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB Trịnh Văn Tuấn, các doanh nghiệp cũng phải có sự chia sẻ với ngân hàng, không thể lúc nào cũng muốn lãi suất giảm nhanh, mạnh. “Mức lãi suất cho vay 12-14% một năm như hiện nay là hợp lý và phù hợp với trần huy động 9% một năm. Còn nếu giảm thêm lãi suất huy động trong lúc này, tôi e rằng, sẽ khó có thể huy động được tiền gửi tiết kiệm và khi đó, ngân hàng sẽ khó thu xếp vốn để cho vay”, ông Tuấn nói.

Vì vậy, cái khó của ngân hàng được lãnh đạo các nhà băng chia sẻ là phải đảm bảo được lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông, trong khi đó phải duy trì lãi suất ở mức phù hợp để có thể huy động được vốn và cho vay. Trên thực tế hiện nay, khi thị trường chứng khoán suy giảm, cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu của nhà băng chỉ kỳ vọng vào cổ tức hàng năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét